Khóa XI SVSQ/HQ - Đệ Nhất Bảo Bình

Lịch-Sử và Sinh Hoạt, 1961-2001

 

(Bài này được soạn theo tài liệu của Bình Vũ Hữu San, viết trong những bản tin Bảo Bình 15 năm trước đây, nhân dịp Kỷ-Niệm 25 Năm Bảo-Bình. Ban Biên Tập cũng xin cám ơn các Bình Trần Văn Hoa (Em), Lê Quang Lập, Trần Hữu Bân, Phạm Văn Hưng và một số các bạn khác đã cho mượn những sưu tập hình ảnh quí giá của các bạn.)

 

Vào đầu thập niên 60, khi những hoạt động của Cộng Sản Bắc Việt nhằm thôn tính miền Nam gia tăng, binh-nghiệp trở thành nếp sống của hầu hết thanh niên Việt Nam. Những tác phẩm văn chương như 'Đời Phi Công' và 'Nhật Ký 40 ngày trên Thái Bình Dương' ảnh hưởng sâu đậm tầng lớp sinh viên, nhất là các sinh viên ban Toán hay Khoa-học. Hải Quân và Không Quân là những chọn lựa ưu tiên của thế hệ trẻ lúc bấy giờ để theo đuổi giấc mộng hải hồ hay lướt gió tung mây. Trong chiều hướng đó, Hải-Quân VNCH cũng được phát triển và Khóa XI Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân là khóa thứ hai được đào tạo với hy-vọng trở thành những sĩ quan ngành Chỉ Huy (line officer) đa năng, đa hiệu.

 

Tuyển Mộ:

 

Tháng Năm năm 1961: Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thông báo trên các hệ thống thông tin, về việc tuyển mộ Sinh Viên Sĩ Quan Hải-Quân (SVSQ/HQ) cho Khóa XI. Khẩu hiệu tuyển mộ được treo nhiều nơi tại các thành phố lớn toàn quốc. Giới thanh-niên trí-thức đọc qua dễ dàng bị lôi cuốn:

 

Một ngành học uyên bác.

Một cuộc sống hải hồ.

Một nghề nghiệp cao quý.

 

Điều-kiện để được dự thi vào lớp Sinh Viên Sĩ Quan Hải-Quân như sau: Tất cả thanh-niên tuổi từ 17 đến 25, không can-án, cam-kết không kết-hôn trong thời-gian thụ-huấn. Đầy đủ sức khoẻ, chiều cao tối-thiểu là 1m58, cân nặng từ 47Kg trở lên. Bằng cấp văn-hóa tú-tài II ban A hoặc B, có chứng-chỉ Đại-Học Khoa Học được miễn thi.

 

Tháng Bảy năm 1961: Trên toàn quốc có hơn 600 ứng viên nộp đơn xin thi. Cuộc thi tuyển được định vào hai ngày 26 và 27/7/1961. Các môn thi gồm có Toán, Vật-Lý, Lượng-Giác, Việt-Văn và Anh-Văn. Địa điểm là 4 phòng thi tại Bộ Chỉ Huy Hải Trấn Sài-Gòn, 2 phòng thi tại trường Pellerin, Huế, một phòng thi tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang (TTHL /HQ Nha-Trang). Sau đó, tất cả các bài thi được tập-trung để chuyển về Saigòn chấm điểm. Lúc đầu số lượng Sinh-Viên dự-tính tương-tự như Khóa X, tức vào khoảng 50 người. Sau vì nhu-cầu Hải-Quân bành-trướng, có lệnh Tổng-Tham-Mưu cho nhận thêm đến số 80.

 

Tại trung-tâm Đà-Nẵng có 19 thí sinh trúng-tuyển. Đó là: Hoàng-Đình-Báu, Lưu-Lương-Cơ, Hồ-Đắc-Cung, Trần-Thế-Diệp, Trương-Quý-Đô, Phan-Tứ-Hải, Nguyễn-Xuân-Huy, Võ-Duy-Kỷ, Nguyễn-Văn-Lộc, Vĩnh-Lợi, Nguyễn-Ngọc-Long, Trần-Đình-Liệu, Nguyễn-Ngọc-Luân, Mai-Quang-Nẫm, Trương-Hữu-Quýnh, Trương-Văn-Thịnh, Nguyễn-Văn-Tính, Nguyễn Tường và Bùi-Quang-Vinh.

 

Tại trung-tâm Nha-Trang có 9 thí sinh trúng-tuyển. Đó là: Trần-Hữu-Bân, Lê-Thượng-Chiêu, Nguyễn-Văn-Cự, Nguyễn-Tấn-Đơn, Lê-Kim-Lợi, Đặng-Vĩnh-Mai, Võ-Văn-Quợt, Trần-Quang-Thiệu, Võ-Quang-Thủ.

 

Tại các trung-tâm Nam-Phần có 36 dân-chính, 8 quân-nhân thuộc quân chủng Không-Quân, 4 quân-nhân thuộc quân-chủng Hải-Quân và 3 quân-nhân thuộc quân-chủng Lục-Quân, tổng-cộng 52 người, trúng tuyển. Đó là: Nguyễn-A,  Phạm-Duy-Anh, Nguyễn-Văn-Anh, Nguyễn-Phú-Bá, Trần-Ngọc-Bảo, Võ-Văn-Bảy, Nguyễn-Hoài-Bích, Trần-Ngọc-Bích, Trần-Đình-Bình, Trần-Đỗ-Cẩm, Hoàng-Dần, Đặng-Diệm, Trương-Văn-Đăng, Nguyễn-Châu-Giám, Trần-Trọng-Hải, Phạm-Văn-Hàm, Trần-Văn-Hoa-Em, Lê-Văn-Huê, Đinh-Mạnh-Hùng, Phạm-Văn-Hưng, Nguyễn-Kim-Khánh, Trần-Hữu-Khánh, Lý-Anh-Kiệt, Nguyễn-Xuân-Lang, Lê Quang-Lập, Hứa-Hồng-Minh, Phạm-Văn-Minh, Lê-Thành-Nam, Nguyễn-Nghĩa, Nguyễn-Nguyên, Nguyễn-Văn-Ơn, Ngô-Tấn-Quanh, Lê-Văn-Quý, Nguyễn-Ngọc-Quyên, Phạm-Trọng-Quỳnh, Phạm-Đức-Riễn, Nguyễn-Thanh-Sắc, Vũ-Hữu-San, Dương-Quang-Sang, Nguyễn-Văn-Tánh, Nguyễn-Minh-Thành, Trịnh-Đình-Thiện, Nguyễn-Ngọc-Thông, Phan-Thành-Thuận, Phạm-Văn-Thụy, Phan-Lạc-Tiếp, Nguyễn-Cao-Toàn, Nguyễn-Chí-Toàn, Vũ-Bá-Trạch, Trần-Văn-Trung, Ngô-Xuân-Ý, Chu-Bá-Yến. Gần một tháng sau, Trung-Sĩ Hồ-Ngọc-Báu được nhập học mang sĩ số toàn khóa tăng lên 81 người.

 

Lúc bấy giờ HQ Đại-Tá Hồ Tấn Quyền là Tư-Lệnh Hải-Quân , HQ Thiếu-Tá Đinh Mạnh Hùng Quyền Tham Mưu Trưởng và HQ Đại-Úy Hồ Văn Kỳ-Thoại, Trưởng Phòng Nhân Viên/Hành-Chánh. Khóa IX ngoài Nha-Trang cũng vừa mãn-khóa. Tổng Thống Việt-Nam Cộng-Hòa Ngô-Đình-Diệm đích thân đến chủ tọa cuộc lễ.

 

Nhập-Ngũ:

 

Tháng Tám năm 1961: Vào hạ tuần, khoảng 70 người đứng đầu bảng sắp hạng nhận được tư văn của Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) mời tới các trung-tâm tuyển mộ để khám sức khoẻ nhập ngũ. Ngày 30/8/1961 toán đầu tiên từ Sài-Gòn ra tới TTHL/HQ Nha-Trang bằng Hải Vận Hạm (LSM).

Hợp với các anh em từ các trung tâm tuyển mộ Đà Nẵng và Nha Trang, họ là những SVSQ/HQ đầu tiên của Khóa XI. Sinh viên được lãnh quân phục, nhận giường tủ, hớt tóc ngắn. Cấp hiệu là cầu vai đen, mũ Hạ Sĩ Quan, lương cấp Trung-Sĩ độc-thân ( 2500$), có gia-đình được thêm phụ-cấp. Cầu vai đen trông như hình dáng một chiếc tầu ngầm nên SVSQ còn được gọi đùa là Sĩ Quan Tầu Ngầm. 

 

Quân Huấn là Đại-Úy Kỹ Sư C.K. Đặng Lúc đó CHT/TTHL là HQ Thiếu-Tá Vương Hữu Thiều, CHP là HQ Đại-Úy Dư Trí Hùng, Giám Đốc Đình Hiệp, và Hiệu Trưởng Trường SVSQ là HQ Trung-Úy Đỗ-Kiểm. Tất cả các Sĩ-quan này đều tốt nghiệp từ Pháp về. Danh sách giáo-sư huấn luyện viên được liệt kê đầy đủ trong một đoạn khác của bài này.

 

Huấn-Luyện:

 

Học trình dự trù là hai năm và chia ra làm 3 giai đọan: Giai đoạn Sơ Khởi, Năm Thứ Nhất và Năm Thứ Nhì.

 

Giai đoạn I (Sơ Khởi): Giai đoạn này kéo dài hơn một tam cá nguyệt, từ tháng 9/1961 tới cuối tháng 12/1961, bắt đầu sau khi tất cả các ứng viên trúng tuyển dự-khuyết trình diện, tổng cộng 81 người. Sinh viên Đại Đội Trưởng là Phạm Văn Thụy. Ba sinh-viên Trung Đội Trưởng là Nguyễn Văn Lộc, Hồ Đắc Cung và Nguyễn Cao Toàn.

 

Trong giai đoạn này, về văn hóa, SVSQ phải học qua các lớp Toán Đại Cương, Lượng Giác Cầu, Vật-Lý trình độ năm thứ nhất Đại-Học cùng các lớp sinh ngữ Anh và Pháp Văn.

 

Về quân sự, SVSQ được huấn luyện căn bản quân sự, tháo ráp vũ-khí nhẹ, tập tác xạ súng cá nhân. Về phương diện chuyên môn, sinh-viên bắt đầu làm quen với hàng hải cận duyên, lý thuyết và thực hành, truyền-tin thị giác: cờ, đèn và kỳ-hiệu. SVSQ cũng học bơi lội, chèo thuyền, thắt nút, v.v…

 

Hàng tháng mỗi môn học đều có bài thi trắc-nghiệm khả-năng tiếp-thu, SVSQ nào có số điểm từ 8 trở xuống đương nhiên bị Hiệu-Trưởng trường Sĩ-Quan phạt cấm-trại mỗi bài một phiên. Sinh-viên có vợ con trước khi nhập trường thì mỗi chiều thứ tư hàng tuần được đi bờ về nhà ngủ qua đêm với gia-đình. Trong số này có các anh : Nguyễn-A, Trần-Thế-Diệp, Hồ-Ngọc-Báu, Nguyễn-Tấn-Đơn, Nguyễn-Xuân-Lang, Nguyễn-Văn-Tánh, Trương-Văn-Thịnh.

 

Mở đầu giai đọan này là 2 tuần lễ huấn nhục. SVSQ khóa đàn anh quay khóa đàn em như 'dế', bắt thi hành những lệnh ngược ngạo và nhanh chóng, mục đích là để các tân SVSQ biết tuân lệnh một cách tuyệt đối, phản ứng và hành động hữu hiệu dưới mọi hoàn cảnh. 

Khóa XI may mắn được khóa đàn anh hiểu biết, không bắt làm những điều gì quá lố. Sau giai đoạn này theo truyền thống, các tân SVSQ và SVSQ khóa đàn anh đã kết tình 'cha-con' (papa/fisto) thắm thiết cho đến bây giờ.

 

Chuyến hải hành thực tập đầu tiên được thực hiện trên Trục Lôi hạm Chương Dương HQ-112, hải trình từ Nha-Trang tới Cam-Ranh. HQ Đại-Úy Đặng Trung Hiếu làm Hạm trưởng.

 

Một cuộc hành-quân thực-tập đổ-bộ được tổ chức vào cuối năm 1961. Duyên-lực cung-cấp khoảng 40 ghe có trang bị máy và buồm, đang trên đường từ Sài-Gòn ra miền Trung ghé vào bến Cầu-Đá cho Sinh-Viên thực-tập. Tiểu-Đoàn-Trưởng (Đại Đội Sinh-Viên Khóa 10 và Đại Đội Sinh-Viên Khóa 11) lúc bấy giờ là HQ Tr/Úy Đỗ-Kiểm cùng một số Cán-Bộ và Huấn-Luyện-Viên dẫn Đại Đội Sinh-Viên Khóa 11 đi hành-quân đổ-bộ đảo Hòn-Tre Nha-Trang. Sinh-Viên chia nhau từng nhóm cứ 2 đến 4 người lên một ghe. Từ sáng sớm ghe bắt đầu căng buồm chạy quanh các đảo trong vịnh Nha-Trang, cuối cùng đổ bộ vào bãi Bắc của Hòn-Tre. Đoàn quân được trang-bị vũ-khí cá-nhân súng GARANT M1, đạn dược đầy đủ, máy truyền-tin PRC 10 cho mỗi Trung-Đội. Đổ bộ xong, đoàn quân được lệnh cắm-trại, từng Trung-Đội nằm rải rác trên các triền đồi. Đến 9 giờ tối hôm đó cuộc di hành bắt đầu tiến quân theo con đường mòn qua bãi Nam. Sau đó băng rừng leo núi suốt đêm để đến mục-tiêu là Hải-Đăng Hòn-Tre. Sáng ngày hôm sau tất cả SVSQ xuống ghe tại bờ Nam đểø trở về lại quân-trường.

 

Vào tháng 12 năm 1961, sau cuộc thi cuối thời-kỳ thứ nhất, một buổi lễ gắn ALPHA cho 68 sinh viên được tổ-chức vào dịp Lễ Giáng-Sinh (24-12-1961) tại Câu-Lạc-Bộ SVSQ. Có 11 sinh viên không đủ điểm đậu, nhưng vài tuần-lễ sau, họ đều được đặc ân cho theo học giai đoạn II (năm thứ nhất của trương trình huấn luyện SQHQ). Hai sinh-viên bị loại vì vi-phạm trường qui. 79 sinh viên trúng tuyển trở thành SVSQ thực thụ (68 sinh viên trước và 11 sinh viên sau đó) mang cấp hiệu Alpha.

 

Tân SVSQ/ĐĐT là Dương Quang Sang. Các Sinh-Viên Trung Đội Trưởng là Nguyễn-Phú-Bá, Võ-Quang-Thủ, Nguyễn-Văn-Tánh. Sinh-Viên Quản Lý Hội-Thực là Trương Văn-Thịnh.

Giai đoạn II (Năm Thứ Nhất): Chừng 3 tam-cá nguyệt, từ tháng 1/62 tới tháng 9/62. Học trình của giai đọan này đi sâu vào chuyên-môn và thực-tập.

 

Các môn học chính là Vận-Chuyển, Hàng-Hải cận-duyên, Điện-Kỹ-Nghệ, Khí-Tượng, Cơ-Khí Động-Cơ Nổ 2 thì và 4 thì, Sức-Bền Vật-Liệu, Hải-Pháo, Phòng Tai Truyền tin, Tiếp vận, Hải-Quy, Anh-Văn, Pháp-Văn.

 

Ngoài ra chương-trình học cũng chú ý đến thể lực tác chiến. Theo chu-kỳ, cứ 3 tháng một lần cho Sinh-Viên đi di-hành với quân-trang. SVSQ vai mang ba-lô, súng cá-nhân Garant M1, tổng-cộng trọng-lượng mỗi người khoảng 15 Kg. Bắt đầu đi bộ từ Trung-Tâm xuống Chụtt, Cầu-Đá, vòng theo đường mòn quanh núi qua khu Bình-Tân Cửa-Bé, ra tới Ngã-Ba-Chụtt trở về trường. Cũng có chuyến di-hành qua tới tận Đồng-Đế rồi trở lại. 

 

Đầu năm 1962, Sinh-Viên khóa 11 thăm viếng một phân-đoàn gồm 2 Khu-Trục-Hạm Hoàng-Gia Úc neo ngoài khơi bến Cầu-Đá. Các chiến-hạm thuộc khối Thịnh Vượng Chung (Common Wealth) này cũng biểu diễn phóng loại Hỏa tiễn diệt Tiềm thủy đĩnh ASROC (submarine rocket) đặc-biệt hữu-hiệu của họ.

 

Năm 1962 có tầu ngầm Hoa-Kỳ USS Queen-Fish ghé bến cho Sinh-Viên thực-tập cùng một số chiến-hạm VN tham-dự. Khóa 11 được chia ra từng nhóm, mỗi nhóm 20 người thực-tập trên tầu ngầm một ngày. Tầu ngầm và các chiến-hạm VN thực-tập săn-đuổi, lặn sâu dưới biển ngoài khơi Nha-Trang. 

 

SVSQ khóa 11 thực-tập chuyển-đồ ngoài khơi Nha-Trang trên hai chiếc Hải Vận Hạm (LSM). Các HQ Đại-Úy Nguyễn Hữu Chí và Diệp-Quang-Thủy làm Hạm-Trưởng đã luân-phiên nhau điều-khiển việc truyền và nhận quân-cụ trong khi hải-hành. Hai Hải Vận Hạm này cũng thao-dượt các bài thực-tập khác như tác-chiến trên mặt biển, phòng-không, hải-hành tập-đội, phòng tai, tiếp-tế nhiên-liệu ngoài khơi v.v…HQ Đại-Úy Nguyễn-Văn-Thu và các Huấn Luyện Viên Trường Huấn-Luyện Ngoài Khơi giảng giải lý-thuyết, theo dõi, phê bình và rút ưu khuyết điểm sau mỗi ngày thực tập. 

Giai đoạn III (Năm Thứ Hai): Tháng 09 năm 1962 thi cuối giai-đoạn 2: Kết-quả cuộc thi có 78 Sinh-Viên khóa 11 trúng-tuyển, được thăng cấp HQ Chuẩn-Úy Trừ-Bị Tạm-thời . Một sinh viên bị ra trường "ngang" (sortie laterale) với cấp bậc T/S Bí Thư. Sau đó, anh xin giải ngũ, tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa và làm việc trong ngành ngân hàng.

 

Khóa 11 tiếp tục theo học giai đoạn III của chương trình huấn luyện SQHQ. Lương tháng Chuẩn-Úy độc-thân là 3200 $. Nghị-Định thăng thưởng số 2471/QP/NĐ do Ông Bộ-Trưởng Nguyễn-Đình-Thuần Phụ-Tá Quốc-Phòng ký ngày 26.12.1962 với hiệu lực hồi-tố 01/10/62.

Tân SVSQ Đại Đội Trưởng là Nguyễn Hoài Bích. Các Sinh-Viên Trung Đội Trưởng là Trần Đỗ Cẩm, Nguyễn Phú Bá, Trần Quang Thiệu. Các Sinh-Viên Tiểu Đội Trưởng là Trần Trọng Hải, Nguyễn Văn Tánh, Dương Quang Sang, Võ Văn Quợt, Hoàng Dần, Vũ Hữu San, Nguyễn A, Vũ Bá Trạch, Võ Quang Thủ. Sinh-Viên Quản lý Hội-thực vẫn là Trương-Văn-Thịnh.

 

Thời đó các SVSQ theo học năm Thứ Hai được coi như Sĩ quan chính thức với cấp bậc HQ Chuẩn-Úy Trừ Bị. Sinh viên HQ Chuẩn-Úy mang quân phục và phù hiệu đầy đủ của một Sĩ-quan Hải Quân.

 

 Đây là một truyền thống gần 10 năm của Hải Quân Việt Nam mà sau này, kể từ Khóa XIII có Nghị-định hủy bỏ. Các SVSQ/HQ Chuẩn Úy tiếp tục truyền thống huấn nhục, quay đàn em như 'dế' như đàn anh quay mình khi xưa. 

 

Về chuyên môn, SVSQ Năm Thứ Hai được học các môn mới lạ như Lý Thuyết Thuyền Bè, Hàng Hải Thiên Văn, Khí Tượng, Vận Chuyển Chiến Thuật, Điện Kỹ Nghệ, Động-cơ Diesel, Điện-Tử, Hải-Pháo, Phòng Tai, Anh-Văn, Chiến-Tranh Chính-Trị v.v..

 

 

Trong giai đoạn này, sinh viên được thực tập vận chuyển va øhải hành trên Dương Vận Hạm Cam-Ranh, HQ-500, do HQ Đại Úy Nguyễn Ngọc Quỳnh làm Hạm-trưởng. Hải trình khởi đi từ Nha-Trang, đến Đà-Nẵng, ghé Qui-Nhơn và trở lại Nha-Trang thời-gian 2 tuần lễ. Trong chuyến hải- hành, chiến-hạm ghé cảng Đà-Nẵng, ủi-bãi Tiên-Sa, Sinh-Viên đi thăm núi Non-Nước. Khi ghé Qui-Nhơn, Sinh-Viên khóa 11 đi bờ và dạo phố.

SVSQ cũng có dịp thăm viếng và dùng cơm trên Tuần Dương Hạm Jeanne D'Arc của HQ Pháp tại Cầu-Đá. Nhân dịp này nhà trường đã đặt mua giúp mỗi sinh viên một thanh kiếm truyền thống Saint Étienne sản xuất tại Pháp. Giá mua một cây kiếm chỉ huy, kỷ-niệm quý-giá này chỉ có 2000$ (một lượng vàng lúc đó khoảng 3000$).

 

 

 

Vì nhu cầu phát triển quân-lực, chương trình Năm Thứ Hai được rút xuống còn 7 tháng, thay vì một năm. Ưu-tiên cho HQVN lúc đó là Sĩ-Quan Chỉ-Huy; chương-trình các chuyên-nghiệp cơ-khí và tiếp-vận bị cắt giảm nhiều. Trọn phần Động-Cơ Hơi Nước và Turbine phải hủy-bỏ. Tuy vậy các Sĩ-Quan Khóa XI sau này chưa bao giờ phải đối-diện với các loại máy đó cho đến khi rã ngũ vào năm 1975.

 

Tháng 01 năm 1963 HQ Th/Tá Vương-Hữu-Thiều thuyên-chuyển, Xử lý thường vụ chức vụ CHT Trung Tâm Huấn Luyện HQ Nha-Trang là HQ Đại Úy Dư Trí Hùng. Thi mãn khóa khởi sự vào tháng 3/1963 và lễ tốt nghiệp được cử hành vào ngày 16/4/1963, dưới quyền chủ tọa của Đại Tướng Lê Văn Tỵ,Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (TTMT/QLVNCH). 65 sinh viên ra trường với cấp bậc HQ Thiếu-Úy.

 

Thủ Khoa là HQ Thiếu Úy Trần Quang Thiệu. Văn bằng do ông Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Nguyễn Đình Thuần ký. Người trách nhiệm soạn thảo tại BTL/HQ/PQH là HQ Trung-Úy Phạm Ứng Luật. Lương bổng của một Th/Uý Trừ-bị độc-thân mới ra trường là 4200 $.

 

Ra Khơi:

 

4/1963: Sau một tuần nghỉ phép ngắn ngủi, tất cả các tân Sĩ-quan, theo bảng thứ tự tốt-nghiệp, được chỉ định xuống các chiến hạm PCE, PC, LST, MSC, LSSL, LSIL, PGM, YOG, AKL … Sóng Tình Thương là chiến dịch đầu tiên ở Năm Căn có SQHQ/K-11 tham dự. Một số Bảo Bình trên HQ-8, HQ-9 và HQ-403 được tham dự công tác dựng bia chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Đây là chuyến ra khơi quan-trọng đầu tiên khi vừa ra trường.

 

Viễn Du:

 

9/1963: Hầu như tất cả các SQHQ/K-11 đều được đi thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội Hoa-Kỳ từ 4 dến 7 tuần lễ. Hải trình thực tập, với những lần thăm viếng bến bờ xa lạ, từ Sài-Gòn, đến Nhật Bản, Phi-Luật-Tân, Đài Loan, Hồng Kông v.v… Riêng T. Q. Thiệu và N. H. Bích được tuyển chọn vào thủy đoàn nhận lãnh hai Hộ Tống Hạm HQ-10 và HQ-11 tại Hoa-Kỳ vào tháng 11 năm 1963. Chiến hạm từ Philadelphia, hải hành dọc theo bờ Đại Tây Dương, qua kinh đào Panama, vượt Thái Bình Dương, xuyên nhật đạo (kinh tuyến 180) về Việt Nam. Trên đường đi chiến hạm dừng tại Florida, Puerto Rico, Panama, San Diego, San Francisco, Hawaii, Guam, Philippines. Chuyến hải hành viễn dương đầu đời là chuyến viễn du ước mơ của tất cả những người gia nhập HQ, yêu mộng hải-hồ.

 

Theo học-trình huấn-luyện, Bộ Tư-Lệnh HQVN trông đợi các Sĩ-Quan Khóa 11 có thể đảm-nhận các chức-vụ Chỉ Huy cũng như Cơ Khí. Một số Tân Thiếu-Úy sau thời-gian thực-tập trở về chiến-hạm, đã đảm-nhiệm những chức vụ Phụ Tá Cơ-Khí-Trưởng như Vũ Hữu San, Trương-Văn-Thịnh... Tuy Khóa 11 không có ai trở thành các Kỹ-Sư danh tiếng, nhưng kiến-thức kỹ thuật nhiều ít đã giúp các Sĩ Quan này có khả năng tiến mạnh trên hải-nghiệp sau này.

 

Phân Tán Đi Các Đơn Vị Chủ Lực:

 

Vào khoảng cuối năm 1963 đã có một số SQHQ Khóa 11 (SQHQ/K-11) bắt đầu rời Hạm Đội, tình nguyện về phục vụ các Duyên Đoàn và Giang-Đoàn Xung-Phong khi chiến tranh trở lên ác liệt. SQHQ/K-11 cũng tham dự nhiều cuộc hành quân ngoài biển như Vũng Rô (HQ-04, HQ-08, HQ-404. Riêng HQ-04 được HQ Hoa-Kỳ tuyên dương, và là chiến hạm độc nhất trong chiến tranh VN được tưởng thưởng US Navy Unit Commandation trong dịp này). Một số lớn SQHQ Khóa 11 nhận nhiệm vụ SQ Liên Lạc trên các chiến hạm Hoa-Kỳ tuần tiễu gần vùng biển VN, hoặc trên các phi cơ không tuần bay dọc duyên hải.

 

Năm 1964, nhiều SQHQ/K-11 gia nhập Lực Lượng Hải Tuần, một lực lượng xung kích ngoài biển Bắc, đóng căn cứ tại Tiên Sa, Đà Nẵng và do Hoa-Kỳ yểm trợ trực tiếp. K-11 chiếm kỷ lục về số lượng sĩ-quan đông đảo, khoảng 10 người.

 

Cũng năm 1964, những SQHQ/K-11 chỉ-huy đội Hải-thuyền mang HQ Trung-Úy Nhiệm-chức (NC).

 

Các Biến Cố Quan Trọng:

 

2/1965: SQHQ/K-11 đầu tiên hy sinh vì tổ quốc. Cố HQ Trung-Úy Nguyễn Ngọc Long tử trận tại Duyên Đoàn thuộc tỉnh Vĩnh Bình. Tên anh được đặt cho Trợï Chiến Hạm HQ-230, và Nguyễn Ngọc Long là Sĩ quan duy nhất của Khóa 11 mang vinh dự này. 

 

4/1965: Ngày 14, các HQ Thiếu-Úy Khóa 11 được thăng cấp HQ Trung-Úy. Một số thực sự yêu đời quân ngũ chuyển qua ngạch hiện-dịch.

 

7/1965: Trong lúc một số SQHQ/K-11 bắt đầu đảm nhiệm chức-vụ Chỉ Huy Trưởng các đơn-vị nhỏ, chức-vụ Chỉ-huy-phó các Hải-Đoàn Xung-Phong và Hạm-Phó các Hộ Tống Hạm PCE vẫn còn do các Sĩ Quan khóa 8 và khóa 9 nắm giữ. Hai SQHQ/K-11, Đặng Diệm rồi Vũ-Hữu San được Bộ Tư Lệnh Giang Lực tuyển lựa, chính thức đảm nhiệm chức vụ CHP Hải Đoàn 21 XP và Hải Đoàn 27 XP (sau đó đổi thành Giang Đoàn Xung phong), cấp số Đại-Úy. 

 

2/1966: Trận đánh quyết liệt trên sông xảy ra tại rạch Bà-Rai, Mỹ Tho. Địch bị thiệt hại nặng nhưng ta cũng có mấy chiến đĩnh bị chìm. Bảo-Bình Trần Ngọc Bảo hy sinh vì Tổ quốc trên Tiền-phong-đĩnh. Cố HQ Đại-Úy Trần Ngọc Bảo được truy tặng BQHC kèm ADBT với nhành dương liễu.

 

1967: Chiến tranh thêm khốc liệt. Khóa XI mất thêm 2 bạn Bảo-Bình. Tháng tám Nguyễn Ngọc Thông tử trận tại Duyên Đoàn 16, Cổ Lũy, Quảng Ngãi (xem thêm bài viết của Phan Lạc Tiếp trong sách này) và sau đó Võ Văn Quợt tử trận trên HQ-231 tại Mỏ Cày, Kiến-Hòa.

 

5/1967: Dù Bảo đã ra đi, các Bình khác vẫn tiến nhanh trên đường Hải-Nghiệp. Năm 1967 ghi nhận những ngôi sao lấp-lánh "Magister Post Deum" của Bảo Bình đầu tiên xuất-hiện! Sĩ Quan khóa XI khởi sự nhận lãnh trách vụ Hạm Trưởng các Tuần Duyên Đĩnh PGM (sau này được gọi là Tuần Duyên Hạm). Khả-năng chỉ-huy trên Biển của SQHQ/K-11 bắt đầu biểu lộ rõ rệt. Một lời phê hơi "kỳ lạ" của Tư Lệnh Hạm Đội có thể đã gây đụng chạm lúc đó, nhưng thực-sự đúng khi nhận xét đảm lược của một số Bình. HQ Trung-Tá Nguyễn Thanh Châu vừa tuyên bố vừa viết rằng: "Các Sĩ Quan này đã giỏi ở trong Sông sẽ phải giỏi ở ngoài Biển".

 

6/1967: Ngày Quân Lực, 19/6/1967, 10 SQHQ khóa XI được thăng cấp HQ Đại-Úy nhiệm chức.

 

1/1968: 4 SQ khóa XI được thăng cấp HQ Đại Úy thực thụ trong kỳ thăng thưởng thường niên.

 

6/1968: 2 SQ khóa XI: Vũ Hữu San được bổ nhiệm chức vụ Hạm Trưởng LSSL (HQ-229) và Trần Trọng Hải, Hạm Trưởng MSC (HQ-115), cấp số Thiếu-Tá. 

 

11/1968: SQ đầu tiên của Khóa 11 dẫn đạo hải hành viễn dương, HQ-229.

 

2/1969: Tết Nguyên Đán, SQ đầu tiên của khóa XI, Đặng Diệm được trao tặng Bảo Quốc Huân Chương Đệ V đẳng.

 

12/1969: SQ Khóa XI bắt đầu đảm nhiệm các chức vụ có cấp số Trung-Tá như Phó Trưởng Phòng BTL/HQ.

 

1/1970: Ngày đầu năm, 7 SQ khóa XI được thăng cấp HQ Thiếu Tá NC, tất cả dược điều chỉnh cấp bậc thực thụ ngày 1 tháng 10 năm 1970 do bảng tuyển lựa thường niên.

 

5/1970: Nhiều SQ khóa XI tham dự chiến trường ngoại biên. Trong nhiều chức vụ khác nhau như SQ Hành Quân chiến-dịch, Hạm Trưởng, Hạm-Phó, CHT hay CHP các đơn vị tham chiến từ Hạm Đội, Vùng Sông Ngòi hay Duyên Hải, SQ khóa XI đã sát cánh nhau trên chiến trường Kampuchea.

 

* Năm 1970 khóa XI cũng có vài tin buồn: Anh Hoàng Dần hy-sinh trong khi phục vụ Liên Đoàn Người Nhái, anh Hồ Đắc Cung hy sinh tại Duyên Đoàn Bình Ba, Cam Ranh và anh Phạm Đức Riễn tử nạn tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Cam Ranh.

 

2/1971: SQ Khóa XI nhận chức vụ Trưởng phòng tại BTL/HQ, cấp số Đại-Tá.

 

2/1972: Khởi sự nhận quyền Hạm Trưởng chiến hạm loại viễn duyên cấp số Trung Tá, PCE - HQ-09, HQ -11, và chức vụ CHT/LĐĐN tại các Vùng duyên hải. Cũng trong năm 1972, SQ khóa XI, bắt đầu nhận lãnh quyền chỉ huy các Dương Vận Hạm. HQ Thiếu-Tá Đinh-Mạnh-Hùng nhận HQ-502, loại chiến hạm lớn nhất của Hải Đội Chuyển Vận.

 

10/1972: Một SQHQ/K-11 thăng cấp Trung NC.

 

1/1973: Ngày đầu năm, một SQHQ/K-11 thăng cấp Trung Tá Trừ Bị Thực Thụ, theo tuyển lựa thường niên. Không lâu sau đó, HQ Trung Tá TBTT Vũ Hữu San trở thành Sĩ Quan Thâm Niên Hiện diện trên Biển (Senior Officer, Present Afloat), đôi khi HQ Trung Tá Vũ Hữu San cũng được xếp cao trong danh-sách Hạm Trưởng thâm niên (Fleet Command, Senior Captains Roster List).

 

8/1973: Một SQHQ/K-11 nhận quyền chỉ huy Tuần Dương Hạm (WHEC), cấp số Đại Tá. 

 

9/1973: SQ/K-11 nhận quyền chỉ huy Khu Trục Hạm Tiền-Thám (DER), loại chiến hạm tối tân nhất của HQVN/CH, cấp số Đại Tá. 

Cũng trong năm 1973, anh Hồ Ngọc Báu tử nạn tại rừng Lá, trên đường Sài-Gòn - Nha-Trang.

 

1/1974: Hai Hạm Trưởng của Khóa 11, HQ-4 và HQ-5 tham dự hải chiến với Trung Cộng tại Hoàng Sa.

 

6/1974: Hai Hạm trưởng của Khóa 11 được tưởng thưởng trong việc chặn bắt tầu buôn lậu nha phiến Thái Lan. Sĩ Quan Chỉ-huy Chiến Thuật trên mặt Biển của công-tác này cũng là một Bảo-Bình.

 

2/1975: Rất đông SQ/K-11 có mặt tại vùng I và vùng II khi CS Bắc Việt mở cuộc Tổng tấn công. Các cấp Chỉ Huy thuộc Khóa 11 đã gánh vác nhiều trách nhiệm triệt thoái quân và dân từ vùng I và vùng II về Cam-Ranh, về Vũng Tàu, về Sài Gòn hay Phú Quốc…

 

Di Tản & Lưu Vong:

 

4/1975: Hơn 30 SQHQ/K-11 di tản vơí Hạm-Đội, hay dùng các phương tiện khác hay đã ở Hoa Kỳ khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam Việt-Nam. Hàng chục ngàn đồng bào đã được tầu HQ chuyên chở tới Phi-Luật-Tân và đã cùng nhau chào quốc kỳ lần chót trong vịnh Subic Bay, cởi bỏ quân phục để sống đời lưu vong trên khắp thế giới tự-do. Trong ngày 29 tháng 4 năm 1975, kẻ ở người đi trong cảnh hỗn loạn. Ai đi thì sống cuộc đời lưu-vong buồn tủi, ai ở lại thì không tránh khỏi cảnh cải-tạo và tù đày.

 

Ngoài Đặng Diệm và Trần Quang Thiệu lúc đó đang du-học tại Hoa-Kỳ, các Bình ra đi trong thời kỳ mất nước gồm có: Phạm-Duy-Anh, Trần-Đình-Bình, Trần-Đổ-Cẩm, Trương-Văn-Đăng, Nguyễn-Châu-Giám, Phan-Tứ-Hải, Đinh-Mạnh-Hùng, Phạm-Văn-Hưng, Nguyễn-Kim-Khánh, Lê-Quang-Lập, Nguyễn-Văn-Lộc, Nguyễn-Ngọc-Luân, Lê-Thành-Nam, Mai-Quang-Nẫm, Nguyễn-Nghĩa, Nguyễn-Nguyên, Lê-Văn-Qúi, Nguyễn-Ngọc-Quyên, Phạm-Trọng-Quỳnh, Trương-Hữu-Quýnh, Vũ-hữu-San, Nguyễn-Văn-Tánh, Nguyễn-Minh-Thành, Trịnh-Đình-Thiện,   Võ-Quang-Thủ, Phạm-Văn-Thụy, Phan-Lạc-Tiếp, Nguyễn-Cao-Toàn, Nguyễn-Chí-Toàn, Vũ-Bá-Trạch, Trần-Văn-Trung, Chu-Bá-Yến.

 

Các Bình ở lại trình-diện đi tù cải-tạo: Nguyễn-A, Nguyễn-Văn-Anh, Nguyễn-Phú-Bá, Trần-Hữu-Bân, Hoàng-Đình-Báu, Võ-Văn-Bảy, Nguyễn-Hoài-Bích, Trần-Ngọc-Bích, Lê-Thượng-Chiêu, Lưu-Lương-Cơ, Nguyễn-Văn-Cự, Trần-Thế-Diệp, Trương-Qúi-Đô, Nguyễn-Tấn-Đơn, Trần-trọng-Hải, Phạm-Văn-Hàm, Trần-Hữu-Khánh, Trần-Văn-Hoa-Em, Lê-Văn-Huê, Nguyễn-Xuân-Huy, Lý-Anh-Kiệt, Võ-Duy-Kỷ, Nguyễn-Xuân-Lang, Trần-Đình-Liệu, Lê-Kim-Lợi, Đặng-Vĩnh-Mai, Hứa-Hồng-Minh, Phạm-Văn-Minh, Nguyễn-Văn-Ơn, Ngô-Tấn-Quanh, Nguyễn-Thành-Sắc, Dương-Quang-Sang, Trương-Văn-Thịnh, Phan-Thành-Thuận, Nguyễn-Văn-Tính, Nguyễn-Tường, Bùi-Quang-Vinh, Ngô-Xuân-Ý ...

 

Cho đến nay, năm 2001, sau giai đoạn tù đày trong các trại cải tạo CSVN, nhiều anh em đã vượt biên tìm tự do, dù phải hy sinh trên biển như Nguyễn Hoài Bích, Lưu Lương Cơ, hoặc được định cư tại Hoa-kỳ theo diện H.O. kể từ đầu năm 1990.

 

 Tổng số 81 người, 11 người hy sinh cho lý tưởng, 3 người còn ở lại VN, 58 người định cư tại Hoa-Kỳ, 5 tại Úc (kể cả Ngô Tấn Quanh), 2 tại Pháp, 1 tại Canada và 1 có lẽ tại Đức. Bốn mươi năm xưa chúng ta chọn đời hải-hồ, bây giờ chúng ta lang thang xa quê hương.

 

Thống Kê & Linh Tinh:

 

Danh hiệu Bảo-Bình: Khóa 11 mang danh hiệu Bảo Bình là vì Bảo-Bình (Aquarius) là chòm sao thứ 11 trên hoàng đạo tính từ điểm xuân phân. Khi mặt trời đi qua chòm sao này, vào khoảng thời gian từ 21/1 đếùn 20/2, là lúc miền nam Aâu Châu mưa nhiều, nước đổ như Thiên Thần dùng bình tưới xuống trần gian. Ở nước ta vào mùa này, miền Bắc tiết đông u-ám, mưa phùn gió bấc, biển động và nhiều giông bão. Tuy vậy ở miền Nam, vùng Phú Quốc, thì biển lại êm như mặt hồ.

 

Con số 11 cũng có duyên với khóa 11. Ngày nhập học 30/8 là 11 vì 3+0+8=11. Thủ khoa khóa 11 đi lãnh tầu PCE 11, và chiến hạm này được nhiều SQ/K-11 chỉ huy. 11 năm sau ngày di-tản, khóa 11 họp mặt lần đầu ở San Jose. Năm nay 2001, 11 SQ/K-11 đã từ trần. Kỷ niệm 50 năm sẽ vào năm 2011.

 

Những cái nhất: So với 10 khóa đàn anh, khóa 11 đông nhất, 81 người gồm 65 dân chính, 8 cựu Không Quân, 5 cựu Hải Quân và 3 cựu Lục Quân. Vào năm 1961, sinh viên SQ trẻ nhất vừa 18 tuổi (sinh năm 1943), sinh viên già nhất 35 tuổi (sinh năm 1926), tuy nhiên trình độ học vấn khá đồng đều.

 

Khóa X chỉ có độ 45 người. Vì nhu cầu bành trướng quân lực, sĩ số khóa XI tăng lên gấp đôi, tuy nhiên cơ sở huấn luyện không tăng. Để giải quyết vấn đề, giường ngủ SV được đổi thành giường hai từng. Sinh viên nằm giường trên, ngủ giường cao nhất!

 

Thi ra truờng, 20% không đủ điểm tốt nghiệp. Đây là tỷ số rớt cao nhất, một kỷ lục của các trường Hải Lục Không Quân. Có lẽ vì SQHQ le lói nhất chăng?

 

Năm 1972, Hạm Đội nhiều Hạm Trưởng K-11 nhất (loại Viễn duyên và Chủ lực) đến nỗi vị Tư lệnh, HQ Đại-Tá Nguyễn-Xuân-Sơn đã phải nói 'Hạm Đội lúc này thuộc về khóa 11'.

 

Số sĩ quan K-11 phục vụ ngoài Lực Lượng Hải Tuần cũng nhiều nhất, và lẽ dĩ nhiên đây là lực lượng đạp sóng trì nhất và 'vảm' nhất (hay nhảm nhất)!

Một cái nhất nữa là khóa 11 có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo nhất. Nhiều Bảo-Bình đã thành danh, có tác phẩm xuất bản, hoặc đăng tải, như Phan Lạc Tiếp, Vũ Thất Võ Văn Bảy, Độc-Hành Nguyễn Văn Ơn, Thụy Lữ Phạm Văn Hưng, Tuấn Anh Trần Trọng Hải, Tam Giang Hoàng Đình Báu, Vũ-Quân Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm, Chu BáYến v.v. Riêng về cái vụ văn nghệ cây nhà lá vườn thì đếm không hết. Xin tìm đọc trong cuốn sách này.

 

Hậu tốt nghiệp: Hải nghiệp là giấc mộng ban đầu, nhưng nhiều Bảo Bình tiếp tục con đương học vấn, mở rộng chân trời. Khi còn ở VN, khóa 11 có Nghĩa, Hàm, Diệm tốt nghiệp Luật-Khoa và Cẩm tốt nghiệp Văn Khoa. Hai Bảøo-Bình tốt nghiệp Naval Postgraduate School: Thiệu (B.S. & M.S.)  Diệm (M.S.).

Sau 1975, tại Hoa-Kỳ, rất nhiều B.B. tốt nghiệp B.S./M.S. Xin tạm kể: Bá, Cự, Hùng, Hưng, San, Quí, Thủ, Trạch, Yến và một vài bạn nữa chúng tôi không nhớ hết tên. Chỉ tiếc một điều là chúng ta chưa có có một PH. D., tuy nhiên, con cháu Bảo Bình thì có quá nhiều Bác-Sĩ, Tiến-Sĩ, Kỹ-Sư. Riêng các gia-đình Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Văn Cự, Nguyễn Ngọc Luân… đã chiếm hết “ba bồ chữ” của thiên hạ. Xin xem tiểu-sử trong phần 'Danh Mục SVSQ Đệ Nhất Bảo-Bình'.

Họp mặt: Trong suốt 40 năm qua Bảo Bình họp khóa nhiều lần. Lần đầu tiên vào tháng Tư năm 1971 (10 năm quân ngũ) tại Câu Lạc Bộ nổi SQ/HQ.

 

BTL/HQ chấp thuận lần họp mặt chính thức này và cho phép Ban Văn Nghệ Tâm Lý Chiến giúp vui. 

 

Tư gia của các bạn Yến, Diệp và nhà hàng Hồng Hoa trên xa lộ Biên Hòa là những lần gặêp gỡ kế tiếp trước ngày di-tản.

 

Lần họp khóa đầu tiên tại hải ngoại vào năm 1986 (Bảo-Bình 25 tuổi) là lần gặp gỡ cảm động nhất. Hơn 20 Bình, do T.H. Quýnh kêu gọi, về San Jose (tư gia T.Q. Thiệu) hàn huyên.

 

Xa nhất có Nguyễn Nguyên (từ Pháp), đông nhất là gia-đình Chu Bá Yến từ Florida. Đêm 15/8/86 là đêm không ngủ, và lần gập gỡ đó là nền tảng cho những lần gặpäp gỡ về sau tại Nam California (tư gia của N.N. Luân, P. L. Tiếp, T.Q. Đô, T.V. Hoa).

Quỹ trợ giúp các B.B. còn lận đận nơi quê nhà cũng được thành lập khi đó và tiên khởi do Chu Bá Yến quản trị, sau đó chuyển giao cho Đặng Diệm, và cuối cùng là Vũ Hữu San. 

 

Kỷ niệm 30 năm bảo Bình, do Vũ Hữu San phát động, cũng được tổ chức tại Bắc California (nhà hàng của N.K. Khánh & tư gia T.Q. Thiệu). Đây cũng là cuộc họp mặt bồi hồi. V.H. San duyệt xét thành quả việc giúp đỡ bạn đồng khóa. Các Bình hồi tưởng giấc mộng hải-hồ, giới thiệu gia-đình và thành quả của các Bình con. Không khí thân mật và vui tươi. Cuộc gặp gỡ kéo dài với bữa ăn tại nhà hàng Thanh Hiền và cuộc du-lịch San Francisco cho những Bình ở xa. Bình Nguyễn Ngọc Quyên có thực hiện một cuốn Video cho cuộc gặp gỡ này. 

 

Trừ những ngày vui trong quân trường, lẽ dĩ nhiên là vì công vụ hay hoàn cảnh, không bao giờ chúng ta có được tất cả các Bình về họp mặt nhưng lòng mong mỏi thì lúc nào cũng thiết tha.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tri-ân: 'Không thầy đố mày làm nên'. Chúng tôi xin được kết thúc bài này bằng danh sách các giáo-sư, cán bộ, huấn luyện viên, những người đã dìu dắt chúng tôi những ngày mới chập chững bước chân vào quân trường. Chúng tôi nhớ ơn quý vị, dù quí vị là gentleman họ 'De', là 'Socrate' khắc khổ, là 'Sửu Tâm' vui vẻ hay là 'Già Rô' khó khăn.

 

Danh Sách Giáo Sư, Huấn Luyện Viên và Cán Bộ khóa Đệ Nhất Bảo Bình.

(Cấp bậc và chức vụ năm 1963)

 

                         

Cấp Bậc & Họ Tên                                         Chức Vụ và Môn Học Phụ Trách

           

HQ Thiếu Tá Vương Hữu Thiều                    CHT/TTHL/NT. Lý Thuyết Thuyền Bè.

HQ Đại Úy Dư Trí Hùng                                CHP, Quyền CHT. Khí Tượng, Vận Chuyển Chiến Thuật.

Đại Úy K.S. Cơ Khí Đặng Đình Hiệp            Giám Đốc Quân Huấn. Động Cơ Nội Thiêu.

HQ Đại Úy Đỗ Kiểm                                      Hiệu-Trưởng Trường SVSQ. Vận Chuyển Lý Thuyết.

Trung Úy K.S. Cơ Khí Trần Văn Sơn            Toán, Lượng Giác Cầu, Điện Kỹ Nghệ.

HQ Đại Úy Nguyễn Địch Hùng                     Vật Lý, Hàng Hải Cận Duyên & Viễn Duyên.

HQ Trung Úy Võ Duy Ninh                           Hải Pháo.

HQ Trung Úy Vũ Nhân                                  Anh Văn, Truyền Tin, Điện Tử.

Đại-Úy Bác Sĩ Tuyết                                      Pháp Văn

Đại-Úy Nguyễn Văn Linh                              Chiến Tranh Chính Trị

HQ Trung-Úy Mai Mộng Liễn                       Hàng Hải Thực Hành

HQ Thiếu-Úy Nguyễn Văn Giỏi                    Tiếp Liệu

Mr. Taylor                                                       Anh Văn Thực Hành

           

Thượng Sĩ Đ/T Nguyễn Khánh Long             Radar, Điện Tử Thực Hành.

Thương Sĩ G/L Công                                      Thực Tập Hàng Hải.

Thượng Sĩ C/K  Thiệu                                    Thực Tập Cơ Khí

Trung Sĩ I Đ/K Cần                                        Thực Tập Điện Khí

Trung Sĩ I V/C Sĩ                                            Thực Tập Vận Chuyển.

Trung Sĩ TQLC Minh                                     Cơ Bản Thao-Diễn. Bộ Binh.

           

Thượng Sĩ Cúc                                                HLV Thể Thao.

Hạ Sĩ Khải                                                      HLV Thể Thao

Hạ Sĩ Văn Giốc                                         HLV Thể Thao

           

Thượng Sĩ V/C Định                                      Cán Bộ Đại Đội

Thượng Sĩ T/P Tâm                                         Cán Bộ Đại Đội

Thượng Sĩ G/L Nhi                                         Cán Bộ Đại Đội

Trung- Sĩ I B/T Mai                                        Cán Bộ Đại Đội

 

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua. Trí nhớ của chúng tôi cũng đã mòn. Nếu còn sót vị nào chúng tôi không nhớ đuợc thì cũng xin niệm tình tha thứ.

 

Ban Biên Tập

Đệ Nhất Bảo-Bình - 2001

 

 

 

Free Web Hosting